Áp dụng phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến Montessori thực hiện hiệu quả mục tiêu cho trẻ " nhận dạng một số chữ cái" tại lớp 4 tuổi A
Trường Mầm non 20-10 là đơn vị đi đầu toàn thành phố trong việc làm điểm về ứng dụng phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến Montessori nhằm thực hiện hiệu quả chương trình GDMN.
Bản thân tôi nhiều năm tham gia dạy độ tuổi 4-5 tuổi, tôi thấy rằng ở các lớp trong cùng khối hoạt động cho trẻ làm quen với chữ cái tương đối mờ nhạt. Trong chương trình Giáo dục mầm non, chúng ta cần cân bằng việc thực hiện các mục tiêu sao cho thực hiện mục tiêu một cách hiệu quả nhất, góp phần tạo nên ý thức, những kĩ năng và phát triển con người toàn diện cho tương lai. Trong hai năm trở lại đây, khi được tiếp cận một cách sâu sắc với phương pháp Montessori thì tôi thấy rằng, sử dụng phương pháp dạy trẻ làm quen với chữ cái theo Motessori hiệu quả, tạo được sự hứng thú tham gia học tập của trẻ.
Chính vì vậy, chúng ta đã tiến hành một số giải pháp như sau:
Tham gia học tập để nâng cao kiến thức chuyên môn về phương pháp giáo dục Montessori
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện mục tiêu “làm quen với đọc, viết” bản thân tôi đã tìm tòi và quyết định ứng dụng phương pháp Montessori để thực hiện hiệu quả mục tiêu này.
Bản thân tôi đã tìm tòi, tự nghiên cứu mượn sách tại thư viện nhà trường, trên mạng Internet các bài viết, các video quay môi trường cũng như một số giờ hoạt động của các trường Montessori chuyên biệt nhưng đâu đó tôi chỉ thu thập được các thông tin về tác giả, triết lí giáo dục cốt lõi của phương pháp, những nguyên tắc, đặc trưng, các lĩnh vực và tên các giáo cụ của phương pháp.
Mặc khác, bản thân tôi cùng một số đồng nghiệp đã tham gia học tập ngoài giờ hành chính trong vòng 3 tháng để học và tìm hiểu chuyên sâu hơn về cách vận hành phương pháp, các bài tập và thao tác giáo cụ cho từng lĩnh vực. Sau khi học tập chúng tôi cũng đã được cấp chứng chỉ tại trường trung cấp chuyên nghiệp Hải Phòng. Đã có đủ trình độ chuyên môn- được công nhận để áp dụng phương pháp Montessori trong thực hiện tổ chức các hoạt động cho trẻ.
Ngoài ra, chúng tôi tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chuyên môn với nội dung ứng dụng phương pháp tiên tiến do nhà trường tổ chức. Cùng với các đồng nghiệp trong khối 4 tuổi và các đồng nghiệp tham gia học phương pháp Montesori chúng tôi thảo luận, đưa ra vấn đề cần giải quyết và những thắc mắc của bản thân. Trong quá trình áp dụng còn gặp khó khăn chúng tôi trao đổi và tìm sự giải đáp của giảng viên trường Cao đẳng mẫu giáo trung ương đã từng tham gia giảng dạy chúng tôi tại trường Trung cấp chuyên nghiệp Hải Phòng.
Tham gia học tại trường “Trung cấp chuyên nghiệp Hải Phòng”
Sử dụng phương pháp Montessori cho trẻ nhận dạng một số chữ cái ở hoạt động học
Trẻ 4 tuổi thực hiện hiệu quả mục tiêu này thì khi trẻ lên 5 tuổi trẻ sẽ tiếp nhận nhanh hơn, đạt kết quả cao và tạo nhiều cơ hội cho trẻ khám phá các kiến thức. Từ đó sẽ tạo dựng một hành tranh tốt cho trẻ bước vào lớp một.
Hoạt động học là giờ học cung cấp kiến thức mới cho trẻ. Khi được đào tạo chuyên sâu về phương pháp Mon tôi thấy rằng: “Dạy các kiến thức và kĩ năng cho trẻ từ giáo cụ Mon và nguyên tắc Mon thì trẻ tiếp nhận kiến thức dễ hơn, trẻ nhớ sâu, nhớ lâu. Khác với độ tuổi 5 tuổi thì ở độ tuổi của mình, tôi lựa chọn một số chữ cái quen thuộc, đơn giản, ần gũi với trẻ, hoặc chữ không dấu với trẻ như o, ô, ơ, a, b, c, n, e, u, v, … đưa vào kế hoạch CSGD và chia ra phù hợp với từng chủ đề.
Ứng dụng nguyên tắc của Mon: trẻ nhìn - nghe - thực hành. Giáo viên không cần nói nhiều, nhưng trẻ học bằng cách: trẻ nhìn cô làm mẫu, trẻ được thực hành, trẻ học qua chính giáo cụ-> tự học, tự sửa, tự tích luỹ.-> trẻ nhớ rất lâu. Tôi đã áp dụng để dạy trẻ chữ cái. Thực hiện các bước đúng phương pháp của một giờ học chữ cái. Khác với độ tuổi 5 tuổi tôi sẽ lựa chọn dạy một đến hai chữ cái trong một giờ học để phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ.
Ngoài áp dụng nguyên tắc Mon tôi còn áp dụng đặc trưng cơ bản của phương pháp giáo dục Mon trong tổ chức hoạt động học cho trẻ đó là: “Việc học của trẻ thông qua sự trải nghiệm các giác quan”. Vì vậy tôi đã sử dụng giáo cụ chữ cái nhám để dạy trẻ nhận dạng chữ cái mới và ôn luyện. Chữ cái được thiết kế sần với mục đích tác động vào xúc giác- tay của trẻ. Trẻ được sờ các đường bao của chữ cái, cảm nhận, từ đó truyền lên não trẻ, nó sẽ in đậm đường bao vào não của trẻ. Từ đó sẽ giúp trẻ khắc sâu hơn về việc nhận dạng chữ cái. Và một điều đặc biệt khác với thẻ chữ giấy là trẻ nhắm mắt cũng có thể sờ cảm nhận và nhận dạng được chữ cái đó.
Bộ chữ cái nhám
Sử dụng phương pháp Montessori cho trẻ nhận dạng một số chữ cái tại hoạt động chơi góc và hoạt động chiều
Ở lứa tuổi mầm non, hoạt động chơi là hoạt động chủ đạo, quan trọng, trẻ học qua chơi- trẻ chơi mà học. Các hoạt động vui chơi giúp thúc đẩy quá trình phát triển về mặt xã hội, tinh thần, thể chất và nhận thức của trẻ. Đó là cách trẻ học hỏi về chính bản thân mình và thế giới xung quanh. Quá trình học hỏi này diễn ra mãnh liệt trong năm đầu đời, trẻ sẽ sử dụng cả năm giác quan để tăng cường tối đa khả năng học hỏi. Chính vì vậy, ứng dụng nguyên tắc của phương pháp Montessori tổ chức hoạt động cho trẻ nhận dạng một số chữ cái tại hoạt động chơi đầu tiên tôi sẽ xây dựng môi trường chữ cái tại góc ngôn ngữ. Thiết nghĩ giáo viên tạo dựng được môi trường làm quen với chữ cái với đa dạng hoạt động sẽ tạo được nhiều cơ hội cho trẻ trải nghiệm.
Thông thường chúng ta chỉ nhìn thấy môi trường chữ cái đa dạng ở các góc chơi của độ tuổi 5-6 tuổi với các trò chơi có nội dung: nhận biết chữ cái qua thẻ chữ, qua bài thơ, nét chữ, tập tô, nối chữ,…. Ít khi bắt gặp sự đa dạng ấy ở độ tuổi 4-5 tuổi. Có chăng là trong môi trường hoạt động góc sách- truyện chỉ điểm 1 đến 2 bảng chơi như tìm chữ trong bài thơ hoặc là sẽ bị lãng quên, không có trong góc chơi của độ tuổi 4 tuổi. Vì vậy, tôi tiến hành xây dựng môi trường chữ cái để phát triển khả năng tiềm ẩn tự nhiên, dạy và học theo khả năng của trẻ, trẻ tự tìm ra bài học và ghi nhớ.
Tôi sử dụng các hoạt động và giáo cụ Montessori cho trẻ nhận dạng một số chữ cái phù hợp độ tuổi trẻ có thể chơi, thao tác để xây dựng môi trường chữ cái cho trẻ, như sau:
STT Hoạt động Giáo cụ
1 TC: “Nhận biết chữ cái nhám” Thẻ chữ cái nhám, bịt mắt
2 Trò chơi: “Làm chữ nhám” Bút chì, giấy, thẻ chữ nhám, keo, cát rắc
3 Chơi trên bảng chữ cái dời Bộ thẻ chữ dời
4 Trò chơi: “Chữ cái nhám kết hợp với vật cụ thể” Thẻ chữ cái nhám, hộp đồ vật
5 Chơi cùng túi thêu chữ cái Túi có thêu chữ cái, đồ vật bắt đầu có âm bắt đầu của chữ cái
6 Các bài tập với âm đầu Bảng âm đầu, thẻ tranh
7 Trò chơi: “Con mắt gián điệp” Một hộp đồ vật hoặc tranh
8 Trò chơi: “Bốn phương” Các thẻ chữ cái, bộ đồ vật âm đầu tương ứng với chữ cái đã chuẩn bị
9 Chơi cùng rối tất Tất 1 màu bên trên có chữ cái
10 TC: “Viết chữ bằng bút gỗ” Bộ giáo cụ viết chữ thường
11 Trò chơi: “Tụng âm” Thẻ chữ cái trẻ đã học (1 chữ nhiều thẻ)
12 Trò chơi: “Đồ vật đồng âm” 2 khay chứa 2 chữ cái và 2 đồ vật
Với đa dạng hoạt động như trên, khi tham gia hoạt động vui chơi trẻ có thể lựa chọn giáo cụ mà mình thích để chơi cùng chữ cái, từ đó thu thập các kiến thức một cách dễ dàng hơn. Các nguyên tắc của phương pháp giáo dục Montessori trẻ tự học, tự sai, tự sửa bởi giáo cụ Mon đã như là một người thầy giúp trẻ tự học trên chính giáo cụ ấy. Trẻ tự tích luỹ kinh nghiệm. Nhưng nếu đặt vào môi trường giáo dục công lập như chúng ta thì sẽ mất một thời gian khá dài và hiệu quả sẽ không như mong đợi. Chính vì vậy cho nên chúng tôi linh hoạt sử dụng những tinh hoa của phương pháp Mon áp dụng phù hợp với đối tượng, môi trường giáo dục của mình để dạy trẻ nhận dạng một số chữ cái đạt được mục tiêu chương trình giáo dục mầm non đề ra. Tôi đã thực hiện như sau: Khi trẻ lựa chọn trò chơi, thao tác với giáo cụ chưa đúng, giáo viên sẽ hướng dẫn và dạy trẻ thao tác đúng để từ đó trẻ có nhận biết về chữ cái thông qua giáo cụ.
Tiếp nữa, tôi sẽ hướng dẫn trẻ theo khả năng tự nhiên và tiến độ của từng trẻ. Ứng dụng nguyên tắc giáo dục của Montessori là: tin tưởng vào khả năng quyết định và điều chỉnh việc học tập của trẻ. Đây cũng là tinh thần lấy trẻ làm trung tâm mà CT GDMN đang thực hiện và hướng tới. Vì vậy tôi sẽ hướng dẫn trẻ theo khả năng tự nhiên và tiến độ của từng trẻ. Dựa trên những kiến thức trẻ đã được học trong các giờ hoạt động học thì trẻ cũng sẽ ứng dụng các thao tác với các trò chơi chữ cái khác. Điều này ngoài việc trẻ thẩm thấu sâu hơn về các chữ cái đã được học, trẻ còn có cơ hội thao tác với các thẻ chữ cái nhám khác (chữ cái trẻ chưa được học). Đồng thời bước đầu trẻ tiếp xúc rất tự nhiên, không gò ép với việc làm quen từ, chữ ghép thành từ.
Trò chơi: “Chữ cái nhám kết hợp với thẻ từ”
Hoạt động chơi buổi chiều cũng là hoạt động có thời gian lí tưởng giúp trẻ đạt được mục tiêu của chương trình GDMN. Hoạt động chiều khi lập kế hoạch CSGD trẻ tôi ưu tiên sắp xếp các hoạt động ôn luyện các kiến thức cũ và tôi sử dụng giáo cụ Mon để ôn luyện. Qua các trò chơi Mon, giúp cho trẻ một lần nữa khắc sâu việc nhận dạng và phát âm chữ cái đã được học. Bộ óc trẻ đã lưu giữ hình ảnh của đồ vật đó và nhớ được cảm giác khi chạm vào đồ vật ấy.
Trò chơi: “với chữ cái nhám”
Ngoài ra, tôi quan sát và sắp xếp các trẻ trong hoạt động học, hoạt động chơi, chơi chưa tốt thì tôi dành thời gian ôn luyện cho từng nhóm, tôi tác động thêm cho những nhóm trẻ chưa đạt, còn những nhóm đã thực hiện tốt rồi thì tôi sẽ phát triển các trò chơi khác. Một số trò chơi ngoài việc cho trẻ ôn luyện phát âm còn giúp trẻ biết từ.
Sử dụng các nguyên tắc của phương pháp giáo dục Montessori trong xây dựng môi trường chữ cái cho trẻ đã giúp cho môi trường chữ cái trở nên đa dạng hơn, tạo được nhiều cơ hội cho trẻ nhận biết chữ cái và thực hiện mục tiêu Giáo dục mầm non hiệu quả hơn. Các giáo cụ cho trẻ làm quen chữ cái ngoài việc phụ huynh ủng hộ mua sẵn thì bản thân giáo viên cũng có thể thiết kế theo các hướng dẫn của bài tập Mon.
Năm học mới 2024-2025 đã bắt đầu, nhà trường tiếp tục và tăng cường áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến tạo cho học sinh có một môi trường giáo dục hiện đại, toàn diện, xứng đáng là mô hình điểm áp dụng phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến, đổi mới, sáng tạo trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ, để xây dựng nhà trường ngày càng phát triển đạt chất lượng và uy tín cao hơn nữa trong ngành giáo dục và trong nhân dân.
Nguyễn Thị Trúc Quỳnh
Giáo viên trường Mầm non 20-10