Tuyên truyền các mô hình “Dân vận khéo” qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác phối hợp với phụ huynh phối hợp với phụ huynh đánh giá trẻ hàng ngày nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại lớp 5 tuổi trường mầm non 20- 10
Ðánh giá là cơ sở để xác định những nhu cầu giáo dục cá nhân đứa trẻ, căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch tiếp theo. Làm cơ sở để trao đổi, đưa ra những quyết định phối hợp với phụ huynh trong giáo dục trẻ . Làm cơ sở đề xuất đối với các cấp quản lý giáo dục trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của lớp. Đánh giá sự phát triển của trẻ (bao gồm đánh giá trẻ hằng ngày và đánh giá trẻ theo giai đoạn) nhằm theo dõi sự phát triển của trẻ, làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch giáo dục. Trong đánh giá phải có sự phối hợp nhiều phương pháp, hình thức đánh giá; coi trọng đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ, đánh giá trẻ thường xuyên qua quan sát hoạt động hằng ngày.
Với mong muốn tạo ra bước chuyển biến trong quá trình đánh giá trẻ để đưa việc đánh giá trẻ vào thực chất đem lại giá trị cho trẻ và công tác phối hợp với phụ huynh phù hợp với bước đi của thời đại công nghệ số. Trăn trở suy nghĩ và cuối cùng chúng tôi tìm ra giải pháp phù hợp trong đề tài: “ Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác phối hợp với phụ huynh phối hợp với phụ huynh đánh giá trẻ hàng ngày nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại lớp 5 tuổi A2 trường mầm non 20- 10”.
Năm học vừa qua tôi đã đưa ra sáng kiến đánh giá trẻ sử dụng phần mềm Google biểu mẫu, Google trang tính để phụ huynh cùng giáo viên đánh giá trẻ hàng ngày. Sau mỗi một mục tiêu giáo viên và phụ huynh cùng phối hợp đánh giá trẻ bằng cách sử dụng công cụ đánh giá trẻ trực tuyến hàng ngày. Phụ huynh và giáo viên đều có thể cùng đánh giá với mục tiêu giáo dục giáo viên đưa ra trẻ đã thực hiện được ở mức độ nào. Giáo viên đánh giá trẻ ở lớp kết hợp với việc phụ huynh đánh giá trẻ tại gia đình trẻ sẽ được ôn luyện, kiểm tra kiến thức và phụ huynh sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình giáo dục trẻ, biết được những kiến thức, kỹ năng trẻ được học hàng ngày ở lớp và kết quả học tập của trẻ như thế nào. Giai đoạn ban đầu phụ huynh vẫn còn e dè chưa coi trọng việc này. Tuy nhiên sau khi áp dụng đồng bộ các biện pháp sau tôi đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt từ phía phụ huynh và đặc biệt là sự tiến bộ của trẻ lớp tôi.
II. Nội dung
- Thực trạng (thực tế khi chưa thực hiện biện pháp)
Đánh giá trẻ được thực hiện giữa giáo viên và trẻ và phụ huynh chỉ được biết kết quả đánh giá khi giáo viên cung cấp thông qua bảng thông báo của lớp. Bảng kết quả là bảng tổng hợp của cả lớp nên nhỏ, dày chữ và khá khó quan sát. Điều này dẫn đến việc phụ huynh chưa quan tâm đến việc đánh giá trẻ. Phụ huynh chưa đề cao, coi trọng việc học của trẻ trong trường mầm non mà vẫn còn quan điểm trẻ mầm non tới trường chỉ múa, hát, ăn, ngủ vì vậy phụ huynh sẵn sàng cho nghỉ học mà không biết rằng điều này sẽ ảnh hưởng sự hình thành kiến thức và kỹ năng cho trẻ. Việc đánh giá theo mục tiêu giáo dục với các số 2-1-0 trên bảng đánh giả khiến phụ huynh khó hiểu, khó tiếp cận và chưa thỏa mãn. Tâm lý của phụ huynh mong muốn biết con em mình ở mức độ nào để qua đó phụ huynh có thể hỗ trợ trẻ phát triển. Việc đánh giá trẻ chỉ có sự tham gia của giáo viên có thể có sự kiểm tra xác xuất của ban giám hiệu hay tổ chuyên môn dẫn đến việc đánh giá trẻ còn cảm tính, thước đo đánh giá trẻ còn mờ nhạt và đánh giá trẻ chưa triệt để.
Thời đại số giúp việc kết nối trở nên nhanh chóng, dễ dàng và tiện lợi. Công tác phối hợp với phụ huynh là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo viên mầm non. Với những ưu thế đó tôi đã vận dụng vào trong quá trình phối hợp với phụ huynh trong công tác đánh giá trẻ. Qua phối kết hợp đánh giá trẻ đó giáo viên và phụ huynh có thể trao đổi để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ. Phụ huynh hiểu được những kiến thức kỹ năng trẻ cần đạt, qua đó phụ huynh hiểu về chương trình GDMN và cùng phối kết hợp với giáo viên để cùng chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả.
Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của biện pháp
Đánh giá trẻ trong GDMN xác định mức độ phát triển của trẻ so với mục tiêu của từng độ tuổi để có biện pháp thích hợp giúp trẻ tiến bộ. Đánh giá trẻ bao gồm: đánh giá hằng ngày và đánh giá theo giai đoạn. Ðánh giá sự phát triển của trẻ qua các hoạt động, các giai đoạn cho ta biết được những biểu hiện về tâm sinh lý của trẻ hàng ngày, sự phát triển toàn diện của trẻ qua từng giai đoạn, khả năng sẵn sàng, chiều hướng phát triển của trẻ ở những giai đoạn tiếp theo từ đó có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Ðánh giá trẻ thường xuyên giúp giáo viên có được thông tin về sự tiến bộ của trẻ trong một thời gian dài. Xác định được những khó khăn và nguyên nhân cụ thể trong sự phát triển của trẻ làm cơ sở để giáo viên đưa ra các tác động giáo dục phù hợp với trẻ. Giúp giáo viên biết được hiệu quả của các hoạt động, mức độ kết quả đạt được theo dự kiến, làm sáng tỏ những vấn đề đòi hỏi phải có kế hoạch bổ sung
3. Áp dụng biện pháp
Biện pháp 1: Sử dụng Google biểu mẫu để tạo các biểu đánh giá trẻ trực tuyến hàng ngày.
Với yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục ngày càng bức thiết chúng tôi đã được Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cũng như ban giám hiệu tập huấn hướng dẫn sử dụng các tài nguyên miễn phí trên drive để đáp ứng các yêu cầu trong quá trình chăm sóc- giáo dục trẻ như; lưu trữ, quản lý hồ sơ sổ sách hay là việc xây dựng và duyệt kế hoạch trên không gian mạng…. Tôi đã nghiên cứu sử dụng Google biểu mẫu là tài nguyên miễn phí trên drive ứng dụng vào thực hiện công tác phối kết hợp với phụ huynh để đánh giá trẻ. Google Forms (Google biểu mẫu) là một ứng dụng web, cho phép người dùng tạo các bảng khảo sát, thăm dò, bảng câu hỏi,... ngay trên thiết bị di động hoặc trình duyệt web của mình mà không cần phải cài đặt phần mềm chuyên dụng. Tính năng thích hợp cho cả người dùng máy tính và điện thoại.
Google biểu mẫu với các tính năng vượt trội trong việc thực hiện các cuộc khảo sát, thu thập các ý kiến khảo sát trực tuyến qua việc đưa câu hỏi và thu thập trả lời các câu hỏi với nhiều hình thức khác nhau đem đến 1 cuộc khảo sát toàn diện. Việc sử dụng Google Forms (Google biểu mẫu) đơn giản, dễ dàng, nhanh gọn và miễn phí.
Việc sử dụng Google Form thao tác hết sức đơn giản, dễ dàng giúp cho giáo viên có thể nhanh chóng tạo dựng các câu hỏi đánh giá trẻ hay cung cấp cho phụ huynh các hình ảnh, video hỗ trợ cho quá trình phụ huynh đánh giá trẻ tại nhà. Hơn thế nữa về phía phụ huynh cũng thực hiện việc đánh giá trẻ rất dễ dàng qua việc kiểm tra trẻ với những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể của giáo viên và đưa ra đánh giá của mình. Ngoài ra phụ huynh cũng có thể ghi chú những điểm lưu ý hay những vướng mắc trong quá trình kiểm tra, đánh giá trẻ.
Biện pháp 2: Xây dựng bộ công cụ đánh giá trẻ trên Google biểu mẫu
Để phối kết hợp với phụ huynh đánh giá trẻ thì giáo viên cần xây dựng bộ công cụ đánh giá trẻ cho từng mục tiêu giáo dục trọng tâm. Bộ công cụ này cần phải đảm bảo bám sát mục tiêu giáo dục, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, đưa ra các thước đo rõ ràng. Hơn thế nữa bộ công cụ cần phải có tính đa năng sử dụng phù hợp cho nhiều bài học để đạt được mục tiêu giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non. Xây dựng bộ công cụ cũng cần xem xét tới yếu tố khả năng cho trẻ và điều kiện cơ sở vật chất của trường lớp.
Với đặc điểm tình hình thực tế trên trẻ tại lớp tôi. Đa số trẻ thông minh, nhanh nhẹn và sôi nổi trong các hoạt động. Lớp tôi là lớp được nhà trường tin tưởng lựa chọn là lớp ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến Montessori vào chương trình giáo dục mầm non nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển chương trình. Tôi đã suy nghĩ và cân nhắc tới tính ưu việt của phương pháp giáo dục Montessori để phát triển tư duy cho trẻ.
Việc xây dựng bộ công cụ tôi dựa vào mục đích- yêu cầu của hoạt động để phụ huynh đánh giá về kiến thức- kỹ năng - thái độ của trẻ đã đạt được trong hoạt động đó cũng như mức độ mà trẻ đã chinh phục được từ đó nhận ra những điều trẻ đã đạt được và chưa đạt được để có những hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.
Các mục tiêu giáo dục trẻ thì khá là nhiều với nhiều lĩnh vực khác nhau vậy câu hỏi đặt ra cách thức xây dựng bộ công cụ như thế nào để phụ huynh có thể thực hiện, thao tác dễ dàng mà giáo viên cũng không phải bỏ quá nhiều thời gian, công sức? Tôi đã tìm ra giải pháp là giáo viên sẽ xây dựng bộ công cụ trên Google Form và các công cụ đánh giá này được xây dựng dựa theo khung của mục đích yêu cầu của từng lĩnh vực phát triển. Tạo các công cụ mang tính linh hoạt, đa năng. Điều này được hiểu là khi có công cụ đánh giá theo lĩnh vực thì với mỗi bài học khác nhau giáo viên chỉ cần sửa, hoặc thêm 1 số nội dung đặc trưng của bài học 1 cách nhanh chóng trong khoảng thời gian 5 phút là có thể chuyển tới phụ huynh. Và các nội dung trong công cụ đánh giá cũng đảm bảo phụ huynh chỉ cần 5- 10 phút là có thể kiểm tra trẻ và trả lời các câu hỏi trong bảng công cụ. Để làm được điều đó tôi đã xây dựng bộ công cụ dựa trên các nguyên tắc sau: Lựa chọn mục tiêu trọng tâm, đưa ra các phương tiện hỗ trợ rõ ràng, hữu ích, thước đo đánh giá tường minh, công cụ linh hoạt có thể thay đổi nhanh chóng.
Ví dụ với mục tiêu làm quen chữ cái 5T tôi xây dựng 2 bộ công cụ: bộ công cụ với hoạt động làm quen chữ cái và bộ công cụ với hoạt động trò chơi chữ cái. Với 2 bộ công cụ này tôi có thể sử dụng với các nhóm chữ khác nhau xuyên suốt trong năm học.
Biện pháp 3: Tuyên truyền để phụ huynh đánh giá trẻ hàng ngày và hướng dẫn phụ huynh cách thực hiện qua Google biểu mẫu
Ở lớp giáo viên hàng ngày chăm sóc giáo dục 35 trẻ với rất nhiều các công việc và nhiệm vụ liên quan đến việc đánh giá trẻ nhìn chung chưa thể tỉ mỉ, chi tiết và có sự điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời tới từng cá nhân trẻ. Những điều này lại trở nên dễ thực hiện hơn rất nhiều khi có sự phối kết hợp của phụ huynh. Việc tuyên truyền để phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc phối kết hợp với giáo viên trong công tác đánh giá trẻ và hiểu được những giá trị trẻ sẽ nhận được thông qua quá trình này là hết sức quan trọng. Phụ huynh cũng cần hiểu rõ mục đích của việc đánh giá trẻ là gì? Phụ huynh và trẻ sẽ có được gì? phụ huynh cần làm gì?
Tuyên truyền để phụ huynh hiểu mục đích của đánh giá trẻ là làm sáng tỏ mức độ đạt được và chưa đạt được về các mục tiêu giáo dục, tình trạng kiến thức, kĩ năng, thái độ của trẻ so với yêu cầu của chương trình; phát hiện những sai sót và nguyên nhân dẫn tới những sai sót đó, giúp trẻ điều chỉnh hoạt động học tập của mình. Công khai hóa các nhận định về năng lực, kết quả học tập của mỗi trẻ với phụ huynh tạo cơ hội cho trẻ và phụ huynh nhận ra sự tiến bộ của trẻ, khuyến khích động viên và thúc đẩy việc học tập ngày một tốt hơn. Giúp giáo viên có cơ sở thực tế để nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình, tự điều chỉnh, hoàn thiện hoạt động chăm sóc giáo dục của mình, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc giáo dục trẻ. Như vậy việc đánh giá trẻ nhằm: Nhận định thực trạng, định hướng điều chỉnh hoạt động giáo dục của trẻ. Tạo điều kiện nhận định thực trạng, định hướng điều chỉnh hoạt động của giáo viên.
Việc phụ huynh tham gia vào quá trình đánh giá trẻ hàng ngày giúp phụ huynh biết trẻ tiếp thu bài học ở mức độ nào? Cần phải bổ khuyết những gì? Có cơ hội nắm chắc những yêu cầu của từng phần trong chương trình giáo dục mầm non. Thông qua việc kiểm tra, đánh giá, trẻ có điều kiện để tiến hành các hoạt động trí tuệ như: Ghi nhớ, tái hiện, chính xác hóa, khái quát hóa, hệ thống hóa, phát triển năng lực tư duy sáng tạo. Như vậy, nếu việc kiểm tra và đánh giá được tiến hành tốt nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển năng lực tư duy sáng tạo, linh hoạt vận dụng kiến thức đã học giải quyết những tình huống thực tế. Quan trọng hơn hết là việc giáo viên và phụ huynh cùng phối kết hợp đánh giá trẻ hàng ngày giúp trẻ được ôn luyện lại kiến thức, kỹ năng đã học và được hỗ trợ giúp đỡ, chính xác hóa kiến thức, kỹ năng 1 cách kịp thời. Đảm bảo các mục tiêu giáo dục đưa ra đến đâu là được giải quyết ngay đến đó. Chất lượng trẻ được cải thiện rõ rệt hơn.
Phụ huynh sẽ có được công cụ kiểm tra, đánh giá trẻ chi tiết, rõ ràng, tường minh bám sát chương trình của trẻ ở lớp và có các công cụ để hỗ trợ trẻ kịp thời. Phụ huynh được trao chìa khóa mở ra sự phối hợp với giáo viên trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ 1 cách thực chất, hiệu quả và chi tiết.
Để làm được điều đó tôi tuyên truyền với các bậc phụ huynh trong buổi họp phụ huynh đầu năm. Tôi dành thời gian để chia sẻ và thu hút phụ huynh vào quá trình đánh giá trẻ hàng ngày. Ngoài ra tôi còn tuyên truyền chia sẻ trên Zalo nhóm lớp. Tổ chức các buổi tọa đàm trực tuyến trên Zavi, meet… để phụ huynh hiểu được mục đích cũng như giá trị của việc phối hợp đánh giá trẻ hàng ngày. Tôi cũng chia sẻ, hướng dẫn phụ huynh cách thực hiện và ghi lại kết quả đánh giá qua việc trả lời các câu hỏi được xây dựng trên ứng dụng Google biểu mẫu. Trên thực tế thực hiện thì thời gian đầu phụ huynh cũng khá e dè, ngại làm nên sự tham gia của phụ huynh là chưa tích cực. Tôi đã kiên trì gửi bảng công cụ đánh giá qua zalo nhóm lớp và zalo cá nhân cho phụ huynh và khuyến khích, nhắc nhở phụ huynh thực hiện nhằm tạo thói quen cho phụ huynh. Về phía giáo viên tôi thường xuyên cập nhật, tổng hợp đánh giá của phụ huynh đối với trẻ để nhanh chóng nắm được nhóm trẻ thực hiện mục tiêu giáo dục ở các mức độ tốt, khá, trung bình, chưa đạt để đưa ra các biện pháp hỗ trợ, tác động phù hợp với cá nhân trẻ qua đó mà nâng cao chất lượng chung của cả lớp. Qua đó tôi cũng nắm được những trẻ có tiến bộ rõ rệt hoặc sa sút đột ngột. Từ đó, động viên hoặc giúp đỡ kịp thời các con. Ngoài ra, việc phối hợp với phụ huynh đánh giá trẻ tạo cơ hội cho giáo viên xem xét có hiệu quả những việc cải tiến nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mà giáo viên đang tiến hành. Hoàn thiện năng lực sư phạm của mình bằng con đường nghiên cứu khoa học giáo dục.
Các bộ công cụ đánh giá trẻ được xây dựng trên ứng dụng Google biểu mẫu và đưa ra các thang điểm cụ thể tốt, khá, trung bình, chưa đạt với các tiêu chí rõ ràng. Cách thực hiện đơn giản phụ huynh chỉ cần truy cập vào đường link hoặc mã QR giáo viên cung cấp để nhận được công cụ đánh giá. Làm theo yêu cầu của bài học với trẻ và ghi lại kết quả trên trẻ bằng cách tích chọn hoặc trả lời câu hỏi. Ngoài ra phụ huynh cũng có thể ghi chú hoặc đưa ra góp ý với giáo viên để hỗ trợ trẻ tốt hơn.
Biện pháp 4: Sử dụng Google trang tính để tổng hợp kết quả đánh giá trẻ
Việc phối kết hợp với phụ huynh trong công tác đánh giá trẻ qua việc xây dựng các công cụ đánh giá và thực hiện trên ứng dụng Google biểu mẫu đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi như vậy nhưng câu hỏi đặt ra là việc tổng hợp kết quả đánh giá, đối chiếu giữa kết quả đánh giá của phụ huynh với giáo viên, lưu trữ kết quả đánh giá trẻ của phụ huynh và giáo viên liệu có nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả hay không? Liệu có giải pháp nào cho vấn đề này? Đây chắc là vấn đề giáo viên đặc biệt quan tâm.
Thật tuyệt vời khi câu trả lời là có. Và cách thức thực hiện thay vì tổng hợp thủ công mất thời gian và công sức thì sự hỗ trợ của công nghệ và của chuyển đổi số thì việc này sẽ được làm 1 cách tự động với những thao tác đơn giản. Khi đã tạo biểu mẫu, giáo viên không cần phải làm gì thêm để lưu trữ câu trả lời của người trả lời trong Google Form. Theo mặc định, trong tab Câu trả lời (Responses), chúng ta sẽ thấy biểu đồ tóm tắt và danh sách các câu trả lời. Chế độ xem phản hồi riêng lẻ sẽ hiển thị biểu mẫu trực tiếp cùng với kết quả từ mỗi người trả lời.
Tab Câu trả lời rất hữu dụng nếu giáo viên muốn xem kết quả biểu mẫu nhanh chóng, nhưng để có thêm công cụ phân tích câu trả lời, chúng ta có thể liên kết biểu mẫu của mình với bảng tính Google Sheets. Chỉ cần nhấp vào biểu tượng Sheets màu xanh lục trong tab Câu trả lời hoặc nhấp vào Chọn Đích đến cho câu trả lời trong menu, sau đó tạo bảng tính mới hoặc chọn một bảng tính hiện có để lưu trữ câu trả lời từ Form của giáo viên đã tạo.
Việc tổng hợp đánh giá trẻ giúp giáo viên có cái nhìn đa chiều về trẻ, có nguồn minh chứng đáng tin cậy và hữu ích giúp việc đánh giá trẻ đi vào chiều sâu và thực chất. Khi kết quả đánh giá trẻ của giáo viên và phụ huynh có sự chênh lệch lớn thì giáo viên cũng có thể tiến hành đánh giá trẻ lại vào buổi hôm sau để đưa ra quyết định hỗ trợ trẻ tốt hơn. Kết quả tổng hợp đánh giá giúp giáo viên xác định nhóm trẻ đạt mức độ tốt, khá để có định hướng hỗ trợ nâng cao cho trẻ. Giáo viên cũng sẽ có kế hoạch quan tâm đến nhóm trẻ chưa đạt và trung bình để có biện pháp hỗ trợ trẻ kịp thời và hướng dẫn phụ huynh cách để hướng dẫn trẻ tốt hơn khi cần thiết. Lúc này giáo viên và phụ huynh sẽ dễ tìm ra tiếng nói chung trong việc giúp đỡ hỗ trợ trẻ hơn.
III. Kết luận và khuyến nghị
Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phối hợp với phụ huynh đánh giá trẻ tại lớp 5A2 đã mở ra cho cô trò và phụ huynh các phương thức giáo dục mới và đem đến cho trẻ những phương thức học tập hiện đại phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Giúp trẻ được quan tâm toàn diện từ nhà trường và gia đình, phụ huynh quan tâm giáo dục trẻ 1 cách đúng mức và có trách nhiệm hơn giúp trẻ phát triển toàn diện và được hướng dẫn, can thiệp kịp thời hơn.
Phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh trong công tác đánh giá trẻ được thực hiện chi tiết, đi vào từng mục tiêu giáo dục quan trọng đối với trẻ. Phụ huynh đánh giá trẻ dễ dàng qua bộ công cụ giáo viên cung cấp sử dụng ứng dụng Google biểu mẫu. Phụ huynh thực hiện công việc này hàng ngày. Thực hiện đánh giá trẻ qua các ứng dụng Google biểu mẫu, Google trang tính phụ huynh thao tác nhanh, gọn, đơn giản và hiệu quả đáp ứng công nghệ số và chuyển đổi số trong nhà trường.
Phụ huynh quan tâm và hiểu được các mục tiêu, nội dung trẻ học hàng ngày các kiến thức, kỹ năng cần đạt của trẻ để có hành trang vững vàng trước khi bước vào lớp 1. Trẻ được quan tâm hỗ trợ từ cả phía giáo viên và phụ huynh nhằm đạt được mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục mầm non. Kiến thức, kỹ năng của trẻ phát triển tốt, triệt để. Khả năng sáng tạo và tư duy của trẻ có sự tiến bộ rõ nét.
Xây dựng bộ công cụ đánh giá trẻ dành cho phụ huynh dễ dàng thao tác thực hiện cũng như tổng hợp giúp cho việc đánh giá trẻ nhanh chóng và đạt hiệu quả cao thu được kết quả thực sự trên trẻ. Có phương pháp tác động phù hợp, kịp thời với những nhóm trẻ chưa thực sự tốt. Với nhóm trẻ tốt, khá có những yêu cầu nâng cao giúp trẻ phát huy tốt hơn.
Phụ huynh tham gia vào công tác đánh giá trẻ còn giúp giảm tải cho giáo viên. Bởi trẻ được sự quan tâm hỗ trợ và hướng dẫn, ôn luyện hình thành kiến thức, kỹ năng, thái độ bám sát chương trình tại lớp. Từ đó trẻ phát triển rõ rệt về nhiều mặt. Qua đây phụ huynh cũng quan tâm, tin tưởng và đồng hành hơn cùng giáo viên.
Mỗi đứa trẻ là 1 cây non. Cây non ấy được chung tay chăm sóc, bồi đắp mỗi ngày sẽ cho hoa thơm, quả ngọt làm đẹp cho đời.
Biện pháp tôi đưa ra dễ làm, dễ thực hiện chỉ cần giáo viên có tâm với trẻ, có lòng nhiệt tình, tâm huyết với nghề là có thể thực hiện được. Và có thể áp dụng ở tất cả ác trường mầm non trên địa bàn, trong quận, trong thành phố cũng như trên cả nước.
Trong quá trình thực hiện các biện pháp nêu trên tôi rút ra được những bài học kinh nghiệm như sau:
Xây dựng bộ công cụ đánh giá trẻ cần thiết thực, cụ thể, rõ ràng đề phụ huynh dễ hiểu và dễ thực hiện. Nội dung phải thiết thực, gần giũ với trẻ là những điều đang diễn ra hàng ngày và trẻ được tiếp xúc thường xuyên.
Tuyên truyền, thu hút phụ huynh quan tâm và hiểu về mục đích và giá trị của việc đánh giá đem lại hiệu quả cho trẻ và cho phụ huynh. Nghiên cứu, tìm hiểu về ứng dụng Google biểu mẫu để phụ huynh có thể dễ dàng đánh giá trẻ cũng như thao tác ghi lại kết quả.
Giáo viên cần cập nhật hàng ngày kết quả đánh giá trẻ của phụ huynh, so sánh đối chiếu với kết quả đánh giá của giáo viên để đưa ra các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ trẻ kịp thời.
Giáo viên thương xuyên đồng hành cùng phụ huynh đẻ việc đánh giá trẻ hàng ngày phải được thực hiện thường xuyên thành nếp để phụ huynh có ý thức thực hiện thường xuyên.
Đề xuất, kiến nghị
Đối với nhà trường: Tích cực thực hiện công tác truyền thông phối kết hợp với phụ huynh trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Triển khai việc đánh giá trẻ hàng ngày trên trực tuyên đến tất cả các lớp trong nhà trường để tạo sự đồng bộ trong các lớp trong nhà trường, giúp trẻ có môi trường giáo dục tốt nhất để phát triển toàn diện.
| Nguyễn Thị Phương Giáo viên trường Mầm non 20-10 |