Thực tế, trong suốt những năm công tác trong nghề bản thân chúng tôi nói riêng và các giáo viên mầm non nói chung luôn tìm kiếm và thực hiện những biện pháp để rèn nề nếp trẻ, trau dồi những kĩ năng làm việc, thái độ, ý thức làm việc cẩn thận, gọn gàng, yêu cầu trẻ làm việc đến cùng, hoàn thành nhiệm vụ và công việc cô giáo giao. Tuy nhiên, kết quả mà chúng tôi thu nhận lại trong suốt những năm qua chưa cao. Mặc khác, năm học này sĩ số trẻ lớp tôi khá đông, nhiều trẻ còn được bố mẹ nuông chiều, kĩ năng tự phục còn hạn chế. Hay nói cách khác là trẻ khá lười lao động tự phục vụ. Dẫn đến trẻ làm việc không đến nơi, đến chốn, ý thức hoàn thành công việc được giao chưa cao. Giáo viên khá vất vả và dày công rèn cho trẻ.
Chính vì vậy, chúng ta đã tiến hành mô hình áp dụng phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến Montessori để thực hiện chương trình GDMN nhằm hình thành ý thức, trách nhiệm, sự chỉn chu trong công việc cho trẻ tại lớp 4 tuổi A một số giải pháp như sau:
Tham gia học tập để nâng cao kiến thức chuyên môn về phương pháp giáo dục Montessori
Ngay từ khi có ý tưởng, chúng tôi đã nâng cao kiến thức chuyên môn về phương pháp bằng cách tìm tòi, tự nghiên cứu trên các trang mạng. “Phương pháp Montessori là gì?”- với cụm từ này chúng tôi dễ dàng nhận được những thông tin để tìm hiểu về tác giả, triết lí giáo dục cốt lõi của phương pháp, những nguyên tắc, đặc trưng và các lĩnh vực của phương pháp. Đồng thời, chúng tôi tham khảo các video quay môi trường cũng như một số giờ hoạt động của các trường Montessori chuyên biệt để từ đó áp dụng vào các hoạt động tổ chức cho trẻ. Chúng tôi đăng kí mượn các đầu sách về phương pháp tại thư viện của nhà trường.
Tôi cùng với một số đồng nghiệp đã làm đơn và tự nguyện đóng kinh phí đăng ký tham gia học tập tại trường: “Trung cấp chuyên nghiệp Hải Phòng”. Chúng tôi đã tham gia học tập ngoài giờ trong vòng 3 tháng.
Ngoài ra, tôi tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chuyên môn với nội dung ứng dụng phương pháp do nhà trường tổ chức.
Sau khi học tập chúng tôi cũng đã được cấp chứng chỉ tại trường trung cấp chuyên nghiệp Hải Phòng. Đã có đủ trình độ chuyên môn- được công nhận để áp dụng phương pháp Montessori trong thực hiện tổ chức các hoạt động cho trẻ.
Chứng chỉ Montessori
Xây dựng môi trường vật chất Montessori gọn gàng ngăn nắp, chỉn chu để giáo dục ý thức cho trẻ.
Trên thực tế, phương pháp giáo dục Montessori là phương pháp trẻ học tập thông qua các giáo cụ trực quan. Môi trường giáo dục của Montessori là nơi trẻ được tự do hoạt động trong một ‘môi trường được chuẩn bị’, được thiết kế phù hợp với đặc trưng phát triển cơ bản của con người nói chung và tính cách mỗi cá nhân nói riêng ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Môi trường đó cho phép trẻ phát huy tính độc lập ở tất cả các lĩnh vực, phù hợp với xu hướng phát triển tâm lý bên trong trẻ.
Năm học 2022-2023, chúng tôi được nhà trường phân công dạy lớp 4TA- Montessori. Nhà trường đầu tư và trang bị các giá đồ chơi bằng gỗ và giáo cụ Montessori. Theo Montessori, việc biết cách sắp xếp một môi trường hấp dẫn, đẹp đẽ cho trẻ cũng là một phần thiết yếu trong dạy học hệt như việc biết chọn những cuốn sách thiếu nhi tốt cho thư viện vậy. Môi trường Montessori thể hiện được các tiêu chí:
- Đẹp, hài hòa, có tính thẩm mỹ
- Có tính trật tự
- Xây dựng phù hợp với nhu cầu của trẻ
- Có sự sắp xếp hợp lý giữa các hoạt động
- Giáo cụ chuyên biệt
Áp dụng các tiêu chí trên, đặc biệt chúng tôi lưu tâm đến tiêu chí “có tính trật tự” xây dựng môi trường giáo dục đáp ứng các yêu cầu của phương pháp Montessori đồng thời để hình thành ý thức, sự chỉn chu trong sắp xếp đồ dùng cho trẻ. Lớp học của chúng tôi có 2 phòng và được phân bổ như sau:
- Phòng trong gồm các góc: Văn hoá- địa lí (khám phá), toán học, ngôn ngữ- sách, cảm giác.
- Phòng ngoài gồm : Xây dựng, tạo hình, thực hành cuộc sống.
Tiếp theo chúng tôi tiến hành sắp xếp giáo cụ trên các kệ (các giá đồ chơi). Các giáo cụ được sắp xếp theo từng góc. Mỗi một ngăn kệ chúng tôi setup trung bình khoảng 3 bộ giáo cụ tuỳ vào kích thước. Toàn bộ giáo cụ được chuẩn bị sẵn sàng và sắp xếp khoa học từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, từ đơn giản đến phức tạp; từ vật cụ thể đến tài liệu giấy. Mỗi một bô giáo cụ sẽ được để trên các khay hoặc rổ. Việc sắp xếp giáo cụ mang tính trật tự nhất định, vị trí của các bộ giáo cụ không thay đổi.
Chính từ việc setup không gian của việc sắp xếp môi trường mang tính trật tự như vậy đã tạo cho trẻ có một ý thức sắp xếp chỉn chu, gọn gàng, ngăn nắp khi chơi. Để đạt hiệu quả cao hơn khi áp dụng tiêu chí sắp xếp môi trường trật tự của Mon chúng ta đã thực hiện một số biện pháp để rèn nề nếp, thói quen, tạo sự chỉn chu, có trách nhiệm khi thao tác các giáo cụ cho trẻ:
Thứ nhất, chúng tôi đã chụp hình từng bộ giáo cụ làm kí hiệu nhỏ dán vào từng kệ (giá đồ chơi) để trẻ dễ dàng trong việc thao tác lấy, cất.
Thứ hai, chúng tôi dạy trẻ các nguyên tắc sử dụng giáo cụ và đây cũng là nguyên tắc đối với chính giáo viên : Sử dụng một cách trân trọng, cẩn thận; dọn dẹp để vào kệ ngay ngắn; đúng chiều, sau khi sử dụng phải để vào vị trí cũ, đúng kí hiệu; không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của người khác. Tiếp theo, hướng dẫn trẻ thực hiện các nguyên tắc chơi : trẻ thao tác lấy thảm chơi, lựa chọn giáo cụ, thực hiện các hoạt động trên thảm, khi chơi xong trẻ sẽ phải cất giáo cụ ở đúng vị trí kệ, góc mình vừa lấy. Như vậy nếu trẻ không cất lấy đúng vô hình dung không gian góc sẽ bị xáo trộn, điều này giáo viên rất dễ dàng nhận ra và rèn nề nếp cho trẻ để hình thành ý thức sắp xếp trật tự, gọn gàng, chỉn chu trong và sau khi chơi.
Thứ ba, chúng tôi đưa ra bảng theo dõi thực hiện nội quy tại từng góc chơi. Với bất cứ hoạt động nào khi chúng ta đưa ra thì cần có sự giám sát và theo dõi để đạt được hiệu quả và nề nếp của trẻ. Khi đưa ra bảng theo dõi này giáo viên và tất cả các trẻ có thể dễ dàng nhận ra bạn nào lấy và cất giáo cụ không đúng quy định. Nếu trẻ thực hiện đúng lấy đâu cất đó thì trẻ sẽ tiếp tục được thao tác các bộ giáo cụ khác trong giờ chơi. Nếu trẻ thực hiện chưa đúng thì sẽ không được sử dụng các bộ giáo cụ tiếp theo cho đến khi thực hiện đúng nguyên tắc chơi của Mon.
Biện pháp này việc gặp khó khăn đó là kinh phí để trang bị các giáo cụ khá lớn nhưng với kế hoạch và phương án của nhà trường chúng tôi đã: tuyên truyền, vận động phụ huynh tham gia ủng hộ tự nguyện. Chúng tôi đã thực hiện và rất thành công với sự ủng hộ nhiệt tình từ phía các bậc phụ huynh.
Môi trường góc Văn hoá- địa lý
Áp dụng phương pháp giáo dục Montessori tổ chức các hoạt động cho trẻ, hình thành ý thức trách nhiệm, sự chỉn chu trong công việc.
Sau khi đã thực hiện được việc tạo dựng môi trường học tập ứng dụng môi trường giáo dục Montessori chỉn chu, sạch sẽ, gọn gàng, đúng trật tự, đáp ứng mục tiêu giáo dục độ tuổi, chúng tôi tiếp tục lựa chọn các đặc trưng, các bài tập phù hợp áp dụng để qua đó hình thành cho trẻ ý thức trách nhiệm khi làm việc.
Áp dụng phương pháp trong tổ chức hoạt động học. Phương pháp giáo dục Montessori có 3 đặc trưng cơ bản là:
+ Việc học của trẻ thông qua sự trải nghiệm các giác quan,
+ Tôn trọng những đặc tính riê ng biệt, đề cao tính độc lập của trẻ
+ Sự trộn lẫn lứa tuổi trong lớp học.
Trong khi áp dụng vào hoạt động học chúng tôi đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh đặc trưng: “Tôn trọng những đặc tính riêng biệt, đề cao tính độc lập của trẻ” để giúp trẻ hình thành nên ý thức trách nhiệm, sự chỉn chu trong hoạt động của mình. Từ đó hình thành nên nhân cách của trẻ. Tính độc lập của trẻ hình thành từ môi trường lớp học được thiết kế đặc biệt. Montessori tin rằng trẻ được giáo dục một cách tự nhiên chứ không phải dựa vào sự can thiệp của giáo viên. Do đó khi tổ chức hoạt động học chúng tôi chuẩn bị nhiều đồ dùng và đồ dùng phải có mẫu, được thiết kế chỉn chu như giáo dục của Mon, và tạo ra nhiều hoạt động để trẻ có quyền tự lựa chọn công việc và hoạt động mà bản thân trẻ hứng thú. Trẻ thực hiện công việc theo nhịp độ, tiến độ của bản thân. Trẻ tự đánh giá công việc của mình một cách khách quan thông qua hoạt động độc lập với giáo cụ. Trẻ tự biết bản thân đã làm đúng hay sai ở đâu vì đồ dùng có chức năng “giáo dục tự động”. Có nghĩa là khi trẻ làm sai, chính giáo cụ như “người thầy” sẽ “chỉ” cho trẻ thấy cái sai để tự điều chỉnh và tự hoàn thiện công việc của mình. Từ đặc trưng này giúp trẻ thực hiện được mục tiêu chương trình và rèn cho trẻ ý thức độc lập, kiên trì hoàn thành đến cùng công việc của mình.
Áp dụng phương pháp trong tổ chức hoạt vui chơi. Nguyên tắc giáo dục của Montessori là: Tin tưởng vào khả năng quyết định và điều chỉnh việc học tập của trẻ.
Trong mỗi giờ tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ, chúng tôi sẽ lên kế hoạch, danh sách các hoạt động đa dạng để trẻ có thể tự lựa chọn hoạt động mà mình muốn một cách chủ động để tham gia hơn. Tất cả các lĩnh vực này gắn bó chặt chẽ với nhau theo cách bổ xung, hỗ trợ cho nhau. Đồ chơi và các dụng cụ học tập khác được bày trong lớp để trẻ có thể nhìn thấy và có lựa chọn cho riêng mình rồi quyết định một hoạt động - được gọi là “công việc” – theo sở thích của mình. Sau khi trẻ làm xong “công việc”, chúng sẽ cất đồ chơi vào giá và chuyển sang “công việc” khác. Phương pháp Montessori chính là “Trường học cuộc sống”. Chúng tôi hướng dẫn từng trẻ một hoặc theo nhóm, nhưng hầu hết tất cả các trao đổi về “công việc” thì là do các trẻ với nhau. Trước khi trẻ tham gia một giờ hoạt động vui chơi, chúng tôi thường dành một chút thời gian để trẻ tham gia vào vòng tròn circle để giúp trẻ tập trung, thư giãn và chuẩn bị tâm thế vào hoạt động. Sau khi kết thúc vòng tròn circle, trẻ sẽ lựa chọn góc chơi và trò chơi mà mình thích. Ở phương pháp này có rất nhiều các bài tập đa dạng, theo nhiều cấp độ đòi hỏi trẻ phải kiên trì thực hiện và thực hiện đến cùng bài tập mình đã lựa chọn.
Nói tóm lại, khi áp dụng phương pháp này thực hiện chương trình giáo dục mầm non vào tổ chức các hoạt động cho trẻ thông qua các nguyên tắc Mon giúp trẻ thực hiện các kĩ năng một cách tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác, từ đó hình thành nên ý thức cũng như trách nhiệm với công việc. Đồng thời, khi trẻ hoàn thành công việc trẻ sẽ cảm thấy thích thú, thấy tự hào về bản thân. Điều này sẽ khuyến khích tốt hơn cho khả năng sáng tạo và hoạt bát của trẻ.
Tuyên truyền và kết hợp với phụ huynh để cùng giáo dục rèn luyện cho trẻ có ý thức trách nhiệm, sự chỉn chu trong công việc.
Trong bất kì một giải pháp nào thì việc tuyên truyền và phối kết hợp với phụ huynh là một trong những biện pháp không thể thiếu góp phần dẫn đến thành công của giải pháp.
Như chúng ta đã biết, phương pháp Montessori cần có sự đầu tư trang thiết bị, đồ dùng học cụ cho trẻ theo đúng chuẩn Montessori (chúng ta gọi tắt là giáo cụ Montessori). Ngoài sự đầu tư của nhà trường, chúng tôi cần có sự tham gia hỗ trợ về kinh phí từ phía các bậc phụ huynh trong lớp. Chúng tôi thực hiện như sau: Thực hiện sự chỉ đạo của nhà trường, chúng tôi trò chuyện trực tiếp, tuyên truyền với các bậc phụ huynh về phương pháp. Giúp phụ huynh hiểu và nắm rõ về các đặc trưng, những ưu việt của phương pháp. Khuyến khích phụ huynh tìm hiểu trên mạng internet về phương pháp. Đồng thời cũng tuyên truyền với phụ huynh biết về đặc thù của phương pháp đó là sử dụng giáo cụ Montessori để tổ chức hoạt động cho trẻ. Chính vì vậy sẽ cần sự hỗ trợ nguồn kinh phí của các bậc phụ huynh. Để hoạt động diễn ra một cách công khai, tự nguyện chúng tôi gửi đến các bậc phụ huynh: “Phiếu đăng kí tham gia lớp học Montessori”. Phụ huynh được nghiên cứu, được tự do lựa chọn việc có tham gia lớp học hay không?
Sau khi đã tuyên truyền trực tiếp đến từng cá nhân các bậc phụ huynh, chúng tôi tiếp tục thông qua cuộc họp: “Phụ huynh học sinh đầu năm học 2022-2023” lại trò chuyện một lần nữa về phương pháp giáo dục Montessori cụ thể hơn. Chúng tôi mời đồng chí Hiệu trưởng nhà trường cùng lên trò chuyện, trao đổi trong cuộc họp để các bậc phụ huynh phần nào nắm được chủ trương của nhà trường cũng như hiểu về phương pháp. Tiếp đến, chúng tôi sẽ cùng bàn với các bậc phụ huynh về cách hướng dẫn, thực hiện, hỗ trợ trẻ áp dụng thực hiện phương pháp sao cho hiệu quả nhất. Vậy câu hỏi đặt ra ở đâu là: Làm thế nào để thực hiện hiệu quả? Hàng ngày chúng tôi sẽ cung cấp các bài học, cách phụ huynh sẽ hỗ trợ con như thế nào? Tại sao phải thực hiện như vậy? mục đích của hoạt động đó là gì? Chúng tôi sẽ cung cấp hết những dữ liệu, hình ảnh của bài học đó trên zalo “Lớp 4TA năm học 2022-2023” và sẽ tạo mã QR bài học được dán trên mảng tuyên truyền trước cửa lớp.
Mỗi cuối tuần chúng tôi giao các bài tập về nhà, phụ huynh sẽ hỗ trợ quay video với các hoạt động trẻ ứng dụng thao tác ở nhà. Mỗi một tuần sẽ là một kĩ năng. Đặc biệt chúng tôi nhấn mạnh đến các bậc phụ huynh “không làm hộ trẻ”.
Chúng tôi còn tuyên truyền với các bậc phụ huynh về việc khen thưởng trẻ vào mỗi cuối tháng để khích lệ tinh thần và sự cố gắng của trẻ khi tham gia vào hoạt động.
Chúng ta nhìn thấy rất rõ ưu điểm của biện pháp này mang lại. Bởi khi tuyên truyền đến các bậc phụ huynh họ sẽ dễ dàng hơn trong việc nhìn nhận, hiểu về bản chất, các đặc trưng và các nguyên tắc của phương pháp. Qua đó sẽ tự nguyện tham gia vào chiến dịch chinh phục việc ứng dụng phương pháp Montessori cung cấp các kiến thức và tạo kĩ năng, nề nếp cho trẻ.
Sau khi thực hiện biện pháp này, chúng tôi càng khẳng định rằng bản thân có được một sự đồng thuận rất lớn từ phía các bậc phụ huynh. Đồng thuận trong việc tự nguyện ủng hộ kinh phí mua giáo cụ, đồng thuận cả trong việc phối kết hợp nhịp nhàng, thường xuyên hỗ trợ trẻ làm bài tập và nộp cho giáo viên mỗi tuần. Chính những điều này là động lực thúc đẩy chúng tôi tiếp tục và quyết tâm tham gia ứng dụng phương pháp Montessori thực hiện chương trình giáo dục mầm non để hình thành nên ý thức, trách nhiệm, sự chỉn chu trong công việc cho những mầm non tương lai của đất nước.
| Bùi Thị Huyên Giáo viên trường Mầm non 20-10 |