“Xây dựng trường học hạnh phúc - xu thế tất yếu của ngành giáo dục hiện nay” hướng tới chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, khích lệ thầy cô nâng cao tinh thần trách nhiệm.
Ở góc độ là một giáo viên mầm non, trực tiếp đứng lớp chăm sóc giáo dục trẻ tôi nhận thấy: Công tác xây dựng lớp học hạnh phúc là mối quan tâm và là niềm trăn trở của các giáo viên, cũng là mối quan tâm của nhà quản lý giáo dục, là mong muốn của học sinh, của phụ huynh và toàn xã hội. Tôi luôn suy nghĩ làm sao để mỗi ngày trẻ mầm non đến lớp là một ngày vui của trẻ. Giáo viên đến lớp với niềm vui, niềm phấn khởi, sự nhiệt huyết để lan tỏa yêu thương đến với các con, với phụ huynh và đồng nghiệp.
Bản thân tôi luôn xác định, công tác xây dựng: Lớp học hạnh phúc - Cô giáo hạnh phúc - phụ huynh hạnh phúc là việc làm rất cần thiết, là đích đến là khát vọng của nhiều cô giáo mầm non khác nữa. Để xây dựng được lớp học hạnh phúc chúng tôi nhânh thấy “Bản thân” người giáo viên phải xây lên từ trái tim biết cho đi yêu thương, đó cũng là yếu tố then chốt để xây dựng được lớp học hạnh phúc. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này với sự phát triển toàn diện và thành công của một đứa trẻ tôi rất muốn các phụ huynh cùng phối hợp chặt chẽ với giáo viên để xây dựng lớp học hạnh phúc cho trẻ 3-4 tuổi tại trường mầm non 20-10。
Phong trào xây dựng trường học hạnh phúc đã được Bộ giáo dục và đào tạo phát động qua nhiều đợt thi đua, kết quả đã gặt hái được không ít những thành công. Cấp học mầm non cũng nổi bật với nhiều trường học hạnh phúc được phụ huynh tin yêu đánh giá cao. Tuy nhiên ở đâu đó vẫn còn nhiều những ý kiến trái chiều về những hành vi chưa chuẩn mực của một số giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo, không kiểm soát được cảm xúc hành vi, của bản thân trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ dẫn đến có những biểu hiện, hành vi, hành động vi phạm quy định đạo đức nhà giáo vẫn tồn tại. Khiến phụ huynh, người dân, cộng đồng mạng bức xúc, học sinh đi lớp chưa cảm thấy vui và hạnh phúc, còn có những biểu hiện như trẻ quấy khóc nhiều, không chịu vào lớp, có trẻ còn ảnh hưởng tâm lý sau khi đi học một thời gian. Ngoài ra bản thân tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đứng trước nhiều áp lực của nghề nghiệp trong xu thế đổi mới, như số trẻ trong lớp còn quá tải, giờ làm việc kéo dài, chế độ đãi ngộ với nghề nghiệp chưa thỏa đáng. Tính cách trẻ hiếu động có, ích kỷ có, chậm nói có, trẻ mới đi học thì quấy khóc nhiều, chưa có nền nếp và kỹ năng tự phục vụ, những vấn đề trên khiến tôi đôi khi cũng thấy nản lòng, trước khó khăn, có những lúc cáu giận, mất bình tĩnh, còn đâu đó có những lời lẽ thiếu kiểm soát trước trẻ dẫn đến la mắng hò hét trẻ, chưa thực sự khiến trẻ trong lớp cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy thoải mái.
Yếu tố quyết định để có được một lớp học hạnh phúc là phải rèn luyện để mỗi người giáo viên trong trường, trong lớp luôn có cách nghĩ tích cực, đặc biệt bản thân mỗi giáo viên đều hiểu để đáp ứng sự đổi mới và phát triển không ngừng của giáo dục mầm non cần có của những lớp hạnh phúc, đòi hỏi sự phối kết hợp của các cấp quản lý, giáo viên, trẻ và cả các bậc phụ huynh cũng như các lực lượng trong xã hội.
Dạy học cho trẻ mầm non là một công việc rất áp lực bởi vì học sinh là những đứa trẻ non nớt chưa trưởng thành. Khi đối diện với trẻ, khi đứng trước nhiều áp lực, các tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình làm việc sẽ không tránh khỏi bực bội và chán nản. Có nhiều lúc người giáo viên suy sụp bởi áp lực buộc giáo viên phải thay đổi để trở thành người kiên cường, kiên định, phải học cách thở sâu và phải tự hoàn thiện bản thân để trở thành người giáo viên hạnh phúc. Trước hết tôi thay đổi bản thân ngay từ trong suy nghĩ hướng tới các mục tiêu.
Là người giáo viên luôn suy nghĩ tích cực: Đồng hành cùng trẻ và phụ huynh nên mình phải là người tích cực. Điều quan trọng nhất là, nếu muốn người khác hạnh phúc thì trước tiên bạn phải hạnh phúc trước, không những thế phải lan toả hạnh phúc cho bạn đồng nghiệp làm cùng lớp với mình.
Là người biết ơn: Để có những suy nghĩ tích cực hãy tìm thấy điều gì đó để mình biết ơn. Khi ta biết ơn năng lượng tích cực sẽ dồi dào trong ta, hiệu qủa làm việc sẽ tốt hơn.
Là người giáo viên biết cho đi: Cho đi để trưởng thành, là người cho đi mình sẽ nghĩ dài và nghĩ xa hơn, cụ thể là cho đi yêu thương để nhận về trái ngọt.
Dẫu ai trong mỗi chúng ta đều biết rằng, hạnh phúc là thứ không thể nắm, không thể sờ mà chỉ có thể cảm nhận mà thôi, hạnh phúc phải được bồi đắp mỗi ngày, phải được nâng niu và chăm sóc. Nhưng liệu bất kỳ ai trong đội ngũ giáo viên chúng ta có giám chắc mình luôn sẵn sàng cho mọi sự thay đổi từ trong nhận thức bản thân mình để trở thành “Người giáo viên hạnh phúc” hay không? Thay đổi để quan điểm “Trước khi chạm đến trí óc hãy chạm đến trái tim” nó thực sự trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của bản thân mình!
Tôi xác định hạnh phúc của trẻ, đó là niềm vui mỗi ngày đến lớp, đến trường. Nếu như, thấp thoáng đó đây vẫn còn những cách làm việc cứng nhắc, với kiểu giáo viên không tôn trọng trẻ, mà thiếu đi sự quan tâm đến cảm xúc của trẻ, thì thử hỏi những điều ấy có chạm đến trái tim trẻ được không? Ngoài ra để tự tạo cảm hứng làm việc trước nhiều áp lực của nghề nghiệp tôi nghĩ mình cần phải thay đổi, không ngừng trau dồi để hoàn thiện bản thân bằng nhiều cách khác nhau.
Thứ nhất, tiếp tục tự bồi dưỡng lý tưởng sống từ tình yêu nghề, yêu trẻ. Với mỗi cá nhân khi chọn nghề đều vì yêu nghề, nhưng theo thời gian với những áp lực của nghề, của cuộc sống tình yêu nghề, nhiệt huyết ban đầu dần dần phai nhạt. Chính vì vậy, cá nhân tôi thấy rằng mỗi giáo viên mầm non cần phải tự bồi dưỡng tình yêu nghề để thấy được rằng việc gắn bó với nghề là một điều quý giá, được trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy những mầm non tương lai của đất nước là một việc đáng trân trọng và mình thực sự là người có lý tưởng sống, có ích cho xã hội.
Thứ hai, không ngừng tham gia các lớp bồi dưỡng, tự bồi dưỡng cảm xúc tích cực cho bản thân. Bởi những cảm xúc tích cực không phải tự nhiên mà có, nó phải được bồi dưỡng, được chính bản thân mỗi người tự nuôi dưỡng, cần biết và thực hiện các cách thức để quản lý, điều khiển các cảm xúc trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ em; và đặc biệt là biết cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực, phát triển những cảm xúc tích cực.
Thứ ba, cần xác định được công việc của mình: Để thực hiện tốt công việc của mình giáo viên mầm non cần: Yêu thương, ân cần với trẻ, không cáu gắt, đánh mắng, trách phạt; đối xử công bằng với tất cả trẻ, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân trẻ; phát hiện khả năng và sự khác biệt của trẻ, giúp đỡ trẻ trong các tình huống cụ thể; nhận ra những thay đổi nhỏ của trẻ để giúp trẻ biết thể hiện tình cảm, thái độ của mình với mọi người xung quanh. Đồng thời, giáo viên cần tạo được niềm tin ở trẻ, tận tụy, tâm huyết và kiên nhẫn. Bên cạnh đó tự nghiên cứu, tìm tòi và đọc các tài liệu nói về hạnh phúc của trẻ em, tôi nhận thấy trước tiên tôi phải là người giáo viên hạnh phúc thì mới mang đến hạnh phúc cho các con.
Qua nhưng vấn đề cần thay đổi bản thân tôi rút ra kinh nghiệm: Hanh phúc, thể hiện qua năng lực quản lý cảm xúc. Năng lực quản trị cảm xúc chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công và hạnh phúc cho mỗi cá nhân.
Ở lứa tuổi mầm non, trẻ thường rất tò mò, ham hiểu biết nên tôi luôn lưu
tâm xây dựng nhiều hoạt động hướng tới nhu cầu của trẻ, lấy trẻ làm trung tâm.
Trong các hoạt động phải tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, tương tác, giao
lưu với bạn, với cô nhất là luôn tôn trọng cảm xúc của trẻ trong tất cả mọi hoạt động. Nội dung này bản thân tôi cũng tuyên truyền cho phụ huynh thấy được các nội dung giáo viên thực hiện như thế nào để họ phối hợp với với mình một cách chủ động.
* Dạy học có hiệu quả phù hợp với đặc điểm lứa tuổi trẻ.
Ngay từ đầu năm học tôi đã lập kế hoạch đưa ra mục tiêu nội dung giáo dục phù hợp với lứa tuổi và với trẻ, đảm bảo dạy đúng, dạy đủ chương trình theo quy định kế hoạch đưa ra. Đa dạng các hình thức dạy học, sáng tạo. Đặc biệt là các hoạt động phải linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, để đa số trẻ có thể tham gia và thực hiện được. Qua đó giúp trẻ tự tin, hào hứng trong mọi hoạt động với cô và các bạn. Luôn động viên trẻ tự tin vào bản thân với những câu nói thân thiện: “Cô nghĩ nhất định con sẽ làm được”,“Lần sau con sẽ làm tốt hơn”, khuyến khích trẻ tham gia, hợp tác để cùng phát triển. Khuyến khích trẻ tích cực tham gia hợp tác chuẩn bị, làm đồ dùng, đồ chơi, trang trí, sắp xếp, vệ sinh môi trường hoạt động cùng cô. Khuyến khích trẻ đưa ra những quyết định hay lựa chọn theo khả năng, nhu cầu của bản thân trước và trong khi chơi. Trẻ được lựa chọn theo yêu cầu, khả năng của bản thân. Trẻ được đưa ra quyết định trong quá trình chơi, trong quá trình chơi đôi khi trẻ được thay đổi luật chơi cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế diễn ra khi chơi. Trong quá trình chơi trẻ có trẻ có thể được giao lưu sang các góc chơi khác nhau.
* Tôn trọng cảm cảm xúc của trẻ trong mọi hoạt động
Dựa trên đặc điểm tâm sinh lý trẻ tuổi lên 3, ở lứa tuổi này trẻ rất dễ nổi loạn, dễ kích động, nhưng lại thích làm người lớn, vì thế việc chăm sóc giáo dục trẻ trên quan điểm tôn trọng cảm xúc của trẻ là điều cần thiết. Tôn trọng được thể hiện ở mọi lúc mọi nơi trong cả một quá trình trình chăm sóc, giáo dục. Và bản thân tôi đã làm như sau: Trước sự mỗi thay đổi hoặc muốn thay đổi ở trẻ điều gì tôi thường trao đổi trò chuyện với trẻ để thăm dò cảm xúc của mọi trẻ trong lớp, sau đó tổng hợp lại, nhằm đưa ra phương án thay đổi phù hợp nhất để tôi tiến hành và tôi thường xuyên đưa ra các câu hỏi đón ý trẻ như: Cô định như thế này các con thấy sao? Theo các con nên làm như thế nào? Trên quan điểm tôn trọng ý kiến của trẻ trong lớp.
Giáo viên không chỉ tôn trọng cảm xúc của mỗi trẻ mà cần kiên nhẫn với trẻ, chờ đợi trẻ, chủ động dạy trẻ biết yêu thương, giúp trẻ phát triển khả năng đồng cảm, và để trẻ hiểu: Muốn được người khác yêu mến bản thân trẻ phải tập trở thành những em bé đáng yêu bằng cách quan tâm, chia sẻ, biết động viên khen ngợi người xung quanh cụ thể như biết chia sẻ, chơi đoàn kết với bạn bè, tự tin vào bản thân.
Để quá trình theo dõi, chăm sóc giáo dục trẻ và tăng hiệu quả của các nội dung xây dựng lớp học hạnh phúc, tôi đã tiến hành quan sát và thực hiện tốt nội dung đánh giá trẻ theo quá trình để làm căn cứ phân loại trẻ theo nhóm để thuận tiện trong công tác điều hành và xử lý tình huống sư phạm trong quá trình xây dựng lớp học hạnh phúc.
Nhóm 1 | Nhóm 2 | Nhóm 3 |
Trẻ có khả năng nhận thức tốt, mạnh dạn tự tin, giao tiếp tốt, chủ động thể hiện bản thân. | Trẻ cá tính hiếu động, bướng bỉnh, có biểu hiện tăng động, hay nổi loạn. | Những trẻ nhút nhát, lười giao tiếp, thiếu tự tin bộc lộ cảm xúc không rõ ràng, chưa cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. |
Ngoài các nhóm trên tôi luôn chủ động quan sát để nắm bắt cá tính riêng của từng trẻ để có biện pháp giáo dục trên nguyên tắc “Tôn trọng cảm xúc của trẻ”
Ví dụ: Đối với nhóm trẻ nhút nhát chưa mạnh dạn thể bản thân trong giờ hoạt động vui chơi. Cô giáo nên nói “Cô nghĩ nhất định con sẽ làm được”; “Lần sau con sẽ làm tốt hơn”, khuyến khích trẻ tham gia, hợp tác để cùng phát triển, khuyến khích trẻ trao đổi, hợp tác thực hiện ý tưởng chơi, cùng hoạt động và giúp đỡ lẫn nhau.
Đối với nhóm trẻ khả năng nhận thức tốt, manh dạn thể hiện bản thân cô giáo sẽ dùng một số hình thức khuyến khích động viên trẻ nhằm giúp trẻ phát huy hết khả năng sáng tạo của bản thân như trong giờ hoạt động học tạo hình khi trẻ vẽ xong bài vẽ cô động viên: Cô nghĩ rằng con sẽ phối màu đẹp hơn nữa! Con có thể vẽ thêm một số chi tiết phụ để bài vẽ của con sinh động hơn, nhất định con sẽ làm được và bài của con xứng đáng được cô tuyên dương trước lớp.
Đối với những trẻ nhút nhát, lười giao tiếp, thiếu tự tin bộc lộ cảm xúc không rõ ràng, chưa cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao tôi sẽ xử lý như sau: Không chê bai trẻ, hay la mắng rằng trẻ thiếu ý thức và tinh thần cố gắng, tôi dùng lời lẽ ân cần động viên hướng dẫn trẻ khi trẻ chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài ra trong quá trình chăm sóc tôi dành nhiều thời gian quan tâm tới trẻ hơn nhằm bồi dưỡng năng lực và kèm trẻ mỗi ngày để trẻ theo kịp các bạn, dùng lời động viên khuyến khích tạo cảm xúc được che trở để giúp trẻ tự tin về bản thân hơn. Như con rất giỏi và cố gắng rồi; lần sau cô tin các con sẽ làm giỏi hơn thế nữa. Thay vì la mắng, dọa nạt, hãy cho trẻ được sai lầm, được nói ra cảm xúc của mình, chúng ta cần tôn trọng cảm xúc ấy của trẻ.
Tuyên truyền nội dung các tiêu chí lớp học hạnh phúc và áp dụng khen thưởng, kỷ luật tích cực của giáo viên với các phụ huynh.
Dựa vào kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường cũng như của lớp để xây dựng những tiêu chí phù hợp với đặc điểm của giáo viên, học sinh, phụ huynh và điều kiện thực tế của lớp mình. Việc xây dựng tiêu chí lớp học hạnh phúc cho trẻ giúp tôi và giáo viên trong lớp cùng có một định hướng rõ ràng, giúp các biện pháp thực hiện xây dựng lớp học hạnh phúc cho trẻ đạt kết quả tốt nhất, phù hợp với khă năng, năng lực, tinh thần của giáo viên, trẻ và phụ huynh học sinh trong lớp.
Chúng tôi đã mạnh dạn xây dựng tiêu chí lớp học hạnh phúc cho lớp mình như sau:
* Tiêu chí xây dựng lớp học hạnh phúc
STT | Tiêu chí | Nội dung |
1 | Giáo viên hạnh phúc | + Giáo viên tự trang bị cho bản thân các giá trị sống, kỹ năng sống phù hợp với đạo đức, nhân cách nhà giáo trong môi trường giáo dục. + Giáo viên tự bồi dưỡng về nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm phù hợp với điều kiện của lớp. + Giáo viên thường xuyên thể hiện cảm xúc tích cực. |
2 | Trẻ hạnh phúc | + Tất cả trẻ đều được tôn trọng, được yêu thương. + Tất cả trẻ được tạo cơ hội để thể hiện tình yêu thương. + Tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ. + Trẻ tự tin, chủ động, hợp tác, chia sẻ và yêu thương |
3 | Cha mẹ hạnh phúc | + Cha mẹ biết ý nghĩa lớp học hạnh phúc. + Cha mẹ chủ động tham gia vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục và các hoạt động khác của con tại lớp + Cha mẹ tôn trọng, yêu quý và tin tưởng cô giáo |
4 | Mối quan hệ trong và ngoài lớp | + Mối quan hệ giữa giáo viên và trẻ, trẻ và trẻ trong lớp học là mối quan hệ tích cực dựa trên sự tôn trọng, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ. + Phối hợp với nhà trường, gia đình và xã hội, tạo sự thống nhất, tin tưởng cùng xây dựng trường, lớp học mầm non hạnh phúc. |
* Áp dụng khen thưởng, kỷ luật tích cực vào xây dựng lớp học hạnh phúc.
Việc tạo ra được những quy tắc hạnh phúc, hay áp dụng khen thưởng là cần có để xây dựng được lớp học hạnh phúc. Khen thưởng được coi là một giải pháp hiệu quả giúp phát huy tính tích cực của trẻ. Khen thưởng đúng cách sẽ giúp trẻ hào hứng, vui vẻ, động lực giúp trẻ cố gắng phấn đấu làm tốt mọi việc. Ngoài hình thức khen bằng lời nói, phiếu bé ngoan. Tôi sử dụng thêm nhiều hình thức khen thưởng mới lạ kích thích sự hào hứng của trẻ như sử dụng dấu khen, sử dụng phương pháp thu thập sticker.
+ Sử dụng dấu khen: Khi trẻ ngoan cô có thể chụp dấu khen lên tay trẻ. Chắc chắn ngày hôm đó bé sẽ rất vui vẻ, cởi mở với bạn bè, có những trẻ về nhà không cho bố mẹ tắm, lau vị trí cô chụp dấu khen vì sợ bay mất.
+ Sử dụng phương pháp thu thập sticker: Sticker là phần thưởng khen thưởng tuyệt vời mọi trẻ đều yêu thích. Với trẻ có số lượng sticker nhất định, trẻ sẽ được 1 món quà lớn hơn. Từ đó muốn có phần thưởng này trẻ phải cố gắng thực hiện và hoàn thành tốt mọi việc trên tinh thần tự nguyện.
Sau khi áp dụng các hình thức khen thưởng và kỷ luật tích cực chúng tôi nhận thấy trẻ hào hứng, tích cực tham gia các hoạt động trong ngày, vui vẻ sửa chữa những hành vi chưa đúng, không có những biểu hiện tiêu cực.
Tích cực phối hợp với phụ huynh và đồng nghiệp trong công tác xây dựng lớp học hạnh phúc.
Biện pháp này nhằm gắn kết giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với phụ huynh và trẻ. Giúp trẻ yêu thích và muốn đến lớp, giúp cha mẹ trẻ, trẻ và cô giáo thực sự hạnh phúc. Giúp phụ huynh yên tâm và có cách nhìn nhận tốt hơn về giáo viên và là cầu nối để phụ huynh có nhiều thời gian bên con trẻ nhiều hơn.
Không chỉ mong muốn làm cho giáo viên và trẻ cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy học, mà từ đó hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh và toàn xã hội. Niềm vui hạnh phúc không chỉ ở trường mà còn lan tỏa về gia đình để phụ huynh cũng hạnh phúc với niềm vui của trẻ. Bởi thế tôi mạnh dạn trao đổi với phụ huynh luôn động viên cổ vũ khích lệ trẻ thường xuyên, khen ngợi trẻ kịp thời khi trẻ làm được một hoặc nhiều việc tốt. Tập cho trẻ có một số thói quen tự phục vụ, biết giúp đỡ người lớn làm một số công việc vừa sức, từ đó có ý thức tự lập chủ động. Đồng thời chúng tôi đã cố gắng tạo sự kết nối giữa nhà trường với phụ huynh thông qua một số hình thức:
Thường xuyên trao đổi thông tin, tương tác với phụ huynh trong giờ đón trả trẻ và qua các hình ảnh các con hoạt động ở trường gửi lên nhóm zalo của lớp. Trao đổi vào các cuộc họp phụ huynh đầu năm, cuối năm học. Bảng thông tin tuyên truyền được chúng tôi cập nhật thường xuyên và liên tục giúp phụ huynh có các nhìn tổng quan về lớp học. Từ đó tăng thêm hiệu qua trong sợi dây liên hệ giữa giáo viên và phụ huynh, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường càng gắn bó và trở nên mật thiết hơn, dễ dàng trao đổi tâm tư, nguyện vọng đôi bên, tránh được rất nhiều những điều đáng tiếc xảy ra. Và tạo sự gắn kết để tạo nên môi trường học tập hạnh phúc cho trẻ.
Có một điều rất đáng để tâm đó là cần phối hợp với phụ huynh thực hiện các biện pháp kỷ luật tích cực. Giáo dục kỷ luật tích cực dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ, không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần trẻ. Việc trao đổi với phụ huynh với vai trò như một nhà tư vấn tâm lý để phụ huynh hiểu chuyện và đồng thuận sẽ tạo ra môi trường giáo dục an toàn. Giáo viên cũng cần cho học sinh được phép sai không phải lúc nào cũng đúng, cứ sai đâu sửa đó, tôn trọng những đặc điểm khác biệt của trẻ.
Bởi trên thực tế để xây dựng lớp học hạnh phúc thì bản thân người giáo viên phải thực sự hạnh phúc trước rồi mới lan tỏa được niềm hạnh phúc đến với những người xung quanh, đến với trẻ, với phụ huynh và đồng nghiệp vì vậy tôi đã lựa chọn đề tài “Giáo viên thay đổi, tiếp tục hoàn thiện bản thân để xây dựng lớp học hạnh phúc. Dám thay đổi để ngày một hoàn thiện bản thân hơn trước trẻ, trước phụ huynh và đồng nghiệp là việc làm không hề dễ vì hạnh phúc phải được bồi đắp và vun trồng mỗi ngày mới có không phải nói thay đổi mà thay đổi được ngay. Chúng tôi xác định thay đổi trong nhận thức để luôn là người giáo viên có suy nghĩ tích cực, để lan toả điều tích cực, thay đổi để là người giáo viên biết biết ơn cuộc đời đã cho ta đồng hành với sứ mênh cao quý được ươm trồng chăm sóc những trẻ thơ. Thay đổi để hướng tới hoàn thiện đạo đức nhân cách nhà giáo - là người giáo viên biết chia sẻ yêu thương và biết cho đi tình yêu thương của mình cho mọi trẻ.
Giáo viên chúng tôi luôn cảm thấy thật sự hạnh phúc, thấy mình là người có giá trị, luôn suy nghĩ tích cực và lan tỏa được tình yêu thương, rút ra được những kinh nghiệm trong cuộc sống đặc biệt là trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ. Luôn yêu trường, yêu lớp, yêu trẻ và thân thiện với phụ huynh. Không ngừng nỗ lực, cố gắng hàng ngày để bản thân được vui vẻ và hạnh phúc.
Phải kể tới tập thể phụ huynh trong lớp họ rất vui, rất hạnh phúc, rất yên tâm khi con được tiếp cận với môi trường giáo dục hạnh phúc và giáo dục hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, họ hiểu được tâm tư nguyện vọng của con, từ đó ngày càng tin tưởng nhà trường, phối hợp với giáo viên chăm sóc giáo dục con tốt, cho con đi học đều, không còn tình trạng trẻ nghỉ học tùy tiện.
Giáo viên luôn trau dồi cảm xúc tích cực cho bản thân, yêu nghề mến trẻ, tôn trọng sự khác biệt của từng trẻ. Học hỏi và ứng dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp dạy học tiên tiến như: Phương pháp giáo dục Montessori, phương pháp giáo dục Steam, trong tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ tại lớp mình.
Về phía gia đình trẻ: Có nhận thức đúng đắn, rõ ràng hơn về công tác giáo dục mầm non, phụ huynh yên tâm công tác, tin tưởng vào chất lượng chăm sóc giáo dục của lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.
| Hoàng Thị Điệp Giáo viên trường Mầm non 20-10 |