Trong bối cảnh an toàn giao thông đang trở thành một vấn đề cấp bách trong xã hội, các biện pháp dân vận khéo léo trở thành chìa khóa quan trọng để nâng cao ý thức cộng đồng và bảo đảm an toàn cho trẻ em. Nhận thức được điều này, Mầm non 20-10 đã chủ động triển khai sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục an toàn giao thông (ATGT) cho trẻ mầm non thông qua những giải pháp thực tế và hiệu quả. Sáng kiến này không chỉ giúp trẻ hình thành ý thức về ATGT mà còn thúc đẩy sự hợp tác tích cực giữa nhà trường, phụ huynh và cộng đồng. Các biện pháp cụ thể như sau:
Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” trong nhà trường.
Để xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình “Tôi yêu Việt Nam”, ngay từ đầu năm học, tôi đã căn cứ vào tình hình thực tế của trường lớp, địa phương để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” năm học 2023-2024 với các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, mang tính khả thi cao đồng thời phân bổ nội dung công việc cụ thể theo từng tháng tránh chồng chéo gây khó khăn cho nhà trường và đội ngũ giáo viên trong triển khai thực hiện Chương trình.
Mặt khác tôi cùng tổ chuyên môn đã đi sâu nghiên cứu, căn cứ vào Chương trình giáo dục mầm non quốc gia; Kế hoạch phát triển chương trình giáo dục mầm non nhà trường; Sổ tay hướng dẫn sử dụng phim hoạt hình giáo dục ATGT; Sách hướng dẫn tích hợp nội dung giáo dục ATGT do Bộ GD&ĐT ban hành và căn cứ vào điều kiện thực tế, nhu cầu, khả năng của trẻ để phát triển chương trình và bổ sung thêm được 33 mục tiêu, nội dung, dự án học tập (Mục tiêu- Nội dung) giáo dục ATGT vào trong chương trình giáo dục cho trẻ mẫu giáo trong đó: 3 tuổi 13 Mục tiêu- Nội dung; 4 tuổi 19 Mục tiêu- Nội dung; 5 tuổi 21 Mục tiêu- Nội dung. Các Mục tiêu- Nội dung được bổ sung đảm bảo tính đồng tâm phát triển phù hợp với điều kiện thực hiện của trường/lớp, địa phương, đáp ứng khả năng và nhu cầu của trẻ từng độ tuổi.
Những Mục tiêu- Nội dung giáo dục ATGT của các độ tuổi đều được giáo viên các lớp cụ thể hóa bằng những hoạt động gần gũi, thiết thực và được link vào chương trình giáo dục các chủ đề một cách hài hòa, hợp lý. Ví dụ: Với mục tiêu phát triển nhận thức “Nhận biết được tên gọi, nhiệm vụ của cảnh sát giao thông” của độ tuổi 3 - 4 tuổi được giáo viên lựa chọn đưa vào chủ đề “Ngành nghề”; Hay mục tiêu phát triển Tình cảm kỹ năng xã hội “Có ý thức mặc áo phao khi đi tàu, thuyền và nhắc nhở người khác khi họ không tuân thủ theo các quy định an toàn đường thủy” độ tuổi 5 - 6 tuổi được đưa vào chủ đề “Nước - Hiện tượng tự nhiên”….
Sau khi phát triển chương trình giáo dục ATGT trong chương trình giáo dục nhà trường tôi đã đã sử dụng Google From lập phiếu khảo sát và nhận được sự nhất trí cao của tập thể Cán bộ - giáo viên - nhân viên trong việc triển khai và thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non năm học 2023-2024 nói chung và thực hiện Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” nói riêng.
Để đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” của giáo viên và trẻ, tôi đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả lồng ghép nội dung giáo dục ATGT trong cơ sở giáo dục mầm non và triển khai tới 100% đội ngũ giáo viên trong nhà trường. Qua bộ tiêu chí đánh giá giáo viên xác định rõ những việc cần làm trong một năm học và có thể tự đánh giá, xếp loại được kết quả triển khai thực hiện Chương trình "Tôi yêu Việt Nam" của lớp mình để có hướng chỉnh sửa, thay đổi, hoàn thiện kịp thời và nhà trường có cơ sở để đánh giá chất lượng thực hiện của giáo viên đồng thời ghi nhận và khen thưởng nhằm tạo động lực cho giáo viên tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Rà soát, tham mưu với Hiệu trưởng đầu tư cơ sở vật chất; chỉ đạo giáo viên tạo môi trường giáo dục ATGT cho trẻ
Để đảm bảo có các thiết bị đồ dùng, đồ chơi tối thiểu tổ chức các hoạt động giáo dục ATGT cho trẻ, nhà trường đã tham mưu lãnh đạo cấp trên trang bị đồ chơi, thiết bị, giáo cụ giáo dục giáo dục an toàn giao thông để có điều kiện triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Tôi yêu Việt Nam”. Tháng 11/2023 nhà trường được cấp 01 bộ đồ chơi sa hình giao thông và các thiết bị đi kèm; 02 xe ô tô chòi chân trị giá ba mươi triệu đồng.
Bên cạnh đó tôi còn hướng dẫn giáo viên căn cứ vào khuôn viên của nhà trường lựa chọn vị trí phù hợp để sơn, vẽ thiết kế mô hình ngã tư đường phố, làm các sa hình rời từ thảm, chiếu để trẻ chơi trong lớp hoặc dưới các mái hiên khi trời mưa, có thể gập nhỏ cất đi khi chơi xong; khu vực để xe của phụ huynh khi đưa đón trẻ trên sân trường. Chỉ đạo giáo viên thiết kế đồ dùng đồ chơi giáo dục ATGT cho trẻ và đã thiết kế được một bộ đồ chơi sa hình giao thông và rất nhiều mô hình các loại phương tiện giao thông có kiểu dáng, hình thức khác nhau bằng bìa carton. Ngoài ra để có nhiều đồ chơi cho trẻ được thực hành mô phỏng kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nhà trường đã xây dựng lịch hoạt động ngoài trời theo tuần luân phiên giáo viên các lớp sẽ vận động phụ huynh gần trường mang xe đạp, xe chòi chân, xe lắc...của trẻ đến trường để tham gia sân chơi giao thông.
Nhờ làm tốt công tác tham mưu với cấp trên, tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của các bậc phụ huynh mà trường mầm non 20-10 đã có đủ sa hình ngã tư đường phố và thiết bị đi kèm tạo điều kiện thuận lợi tổ chức sân chơi giao thông góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục ATGT cho trẻ trong trường mầm non.
Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ Cán bộ quản lý - giáo viên - nhân viên về giáo dục ATGT cho trẻ mẫu giáo
Để nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ - giáo viên – nhân viên nhà trường trong việc thực hiện giáo dục ATGT cho trẻ. Tôi đã tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên nhằm phổ biến về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc giáo dục ATGT cho trẻ; cách tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục ATGT vào các hoạt động trong chế độ sinh hoạt hàng ngày; hay cách ứng dụng phần mềm Powerpoint, Quizizz để thiết kế những bài giảng điện tử, bộ trò chơi, câu hỏi trắc nghiệm về ATGT cho trẻ; cũng như cách lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả 20 tập phim Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” trong việc giáo dục ATGT cho trẻ; chỉ đạo mô hình lớp điểm và nhân rộng đại trà toàn trường một số hoạt động giáo dục ATGT …. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn giúp cán bộ quản lý, giáo viên được trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn và thống nhất trong việc triển khai thực hiện giáo dục ATGT cho trẻ.
Đặc biệt sau mỗi đợt tập huấn, bồi dưỡng tôi đều ứng dụng phần mềm Google Form xây dựng phiếu khảo sát, bài tập trắc nghiệm để kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động sinh hoạt, bồi dưỡng chuyên môn của nhà trường và giáo viên qua đó có kế hoạch điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục ATGT cho trẻ.
Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo theo hướng trải nghiệm, thực hành
Để tổ chức hiệu quả hoạt động giáo dục ATGT trẻ mẫu giáo, tôi đã chỉ đạo giáo viên các lớp tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ATGT theo hướng thực hành, trải nghiệm trong giờ hoạt động học và tích hợp vào các hoạt động khác trong chế độ sinh hoạt hàng ngày nhằm tạo cho trẻ cơ hội “Học bằng chơi, chơi mà học” giúp trẻ tiếp thu kiến thức, kĩ năng về ATGT một cách nhẹ nhàng, phù hợp. Ví dụ: Thay vì sử dụng hình ảnh, video để dạy trẻ đội mũ bảo hiểm, giáo viên đã vận động phụ huynh mang mũ bảo hiểm của trẻ đến lớp, trẻ được nhận biết, phân biệt mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng và được thực hành đội mũ bảo hiểm đúng quy cách. Hoặc thay vì tổ chức cho trẻ học Luật Giao thông qua tranh, ảnh, video giáo viên đã cho trẻ đóng vai chú cảnh sát giao thông, người tham gia giao thông thực hành, trải nghiệm các tình huống thực tế qua các mô hình giao thông như: “Ngã tư đường phố”, “Con đường về nhà”,... từ đó trẻ có cơ hội tìm hiểu về kiến thức giao thông và bước đầu hình thành cho trẻ ý thức tham gia giao thông an toàn.
Mặt khác giáo viên còn đổi mới phương pháp giáo dục ATGT cho trẻ thông qua xây dựng các dự án STEAM lồng ghép giáo dục ATGT phù hợp với từng độ tuổi như: Dự án “Ô tô tải” của các bé 3 tuổi; dự án “Gara ô tô 2 tầng” của các bé 4 tuổi, dự án “Bè nổi trên sông” độ tuổi 5 tuổi,…
Ngoài ra tôi còn hướng dẫn giáo viên tận dụng các tình huống thật, các hoạt động tham quan trải nghiệm ngoài nhà trường để giáo dục hành vi văn minh khi tham gia giao thông cho trẻ. Ví dụ: Thông qua hoạt động tham quan trường tiểu học Lê Hồng Phong, rèn cho trẻ quy tắc đảm bảo an toàn khi đi bộ; Hay qua hoạt động tham quan đơn vị bộ đội đại đội 173 Máy Chai giúp trẻ được thực hành kỹ năng an toàn khi đi ô tô…Sau mỗi chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế cô và trẻ cùng trò chuyện về những tình huống an toàn/không an toàn xảy ra trên đường đi qua đó củng cố kiến thức và kĩ năng an toàn khi tham gia giao thông cho trẻ.
Bên cạnh đó tôi còn tăng cường tổ chức các Hội thi về ATGT theo lớp, theo khối hoặc toàn trường như: Hội thi vẽ tranh “Bé với ATGT”; Hội thi “Rung chuông vàng”; phát động Hội thi “Thiết kế bài giảng điện tử, trò chơi tương tác, sách ebook” về chủ đề “Giao thông”; Thi “Sử dụng Quizizz, Kahoot thiết kế bộ câu hỏi trắc nghiệm giáo dục ATGT cho trẻ”, sáng tác sưu tầm thơ truyện GDATGT... nhằm xây dựng kho học liệu, đồ dùng đồ chơi giáo dục ATGT.
Thông qua việc tổ chức tốt các hội thi và các hoạt động giáo dục ATGT cho trẻ trong nhà trường đã tạo cho trẻ cơ hội tốt nhất được vui chơi, thực hành, trải nghiệm và phát triển toàn diện góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình Giáo dục mầm non nói chung và Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” trong trường mầm non nói riêng.
Đẩy mạnh truyền thông, phối kết hợp với cha mẹ và cộng đồng về giáo dục ATGT cho trẻ trong trường mầm non
Nhà trường tổ chức có hiệu quả các hoạt động truyền thông và đa dạng các hình thức truyền thông về giáo dục ATGT nhằm hướng tới nhiều đối tượng cha mẹ và cộng đồng như: Xây dựng chuyên mục “An toàn giao thông” riêng trên website để thường xuyên đăng tải, chia sẻ những bài tuyên truyền về ATGT hay các hoạt động giáo dục ATGT của các lớp; Sử dụng bảng tuyên truyền, pano, áp phích...
Bên cạnh đó tôi còn hướng dẫn đội ngũ GV ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh học sinh giáo dục ATGT cho trẻ như: Sử dụng phần mềm Quizzi, Powerpoint, Kahoot xây dựng bộ trò chơi, câu hỏi trắc nghiệm về ATGT cho trẻ mẫu giáo các độ tuổi; Sử dụng phần mềm Google Form lập biểu mẫu cho phụ huynh, giáo viên cam kết về việc thực hiện các quy định về trật tự ATGT; Ứng dụng Zalo, mã quét QR để chia sẻ các bài thơ, câu chuyện, bài hát, bài giảng điện tử, bộ trò chơi tương tác về giáo dục ATGT để phối hợp với phụ huynh giáo dục trẻ tại gia đình; Tìm kiếm, khai thác, lưu trữ và sử dụng hiệu quả kho tài nguyên học liệu về giáo dục ATGT trên internet; ….
Ngoài ra nhà trường còn phối hợp với Đoàn viên thanh niên hưởng ứng tháng ATGT, hướng dẫn phụ huynh để xe đúng quy định khi đưa đón trẻ tới trường, không để ùn tắc giao thông trước cổng trường, không đi xe vào khu vực sân trong của trường nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường mầm non. Mời cảnh sát giao thông tổ chức buổi nói chuyện, truyền thông về giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo.
Nhờ làm tốt công tác truyền thông, phối kết hợp với cha mẹ và cộng đồng về giáo dục an toàn giao thông cho trẻ đã góp phần nâng cao nhận thức của cha mẹ trẻ em và cộng đồng về giáo dục ATGT cho trẻ mẫu giáo đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực, các lực lượng trên địa bàn quan tâm đầu tư, phối hợp thực hiện giáo dục ATGT cho trẻ em trong nhà trường.
* Kết quả:
Khi áp dụng đề tài, trường mầm non 20-10 đã được Sở giáo dục cấp 01 bộ đồ chơi sa hình giao thông và các thiết bị đi kèm; các xe ô tô chòi chân xe đạp ba bánh, xe đầy giá trị; đồng thời nhà trường đã căn cứ vào khuôn viên sân trường để sơn nơi quy định chỗ để xe của phụ huynh và sa hình sân chơi giao thông tại trường tổng 1.500.000 đồng; làm mới hệ thống bảng tuyên truyền về an toàn giao thông trị giá 2.500.000 đồng; Hướng dẫn giáo viên khai thác, sử dụng hiệu quả 26 tập phim Vui giao thông của Chương trình “Tôi yêu Việt Nam”; sử dụng phần mềm Powerpoint, Quizzi... thiết kế được 2 giáo án điện tử, 5 trò chơi quizzi, 6 trò chơi kahoot, 7 sách e book, bộ câu hỏi trắc nghiệm về An toàn giao thông cho các độ tuổi. Ngoài ra cán bộ, giáo viên nhà trường còn khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ như Powerpoint, Quizzi, Google Forms, Zalo, Website, Panpage để làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với các bậc phụ huynh và cộng đồng trong triển khai thực hiện Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Giáo viên tự tin, chủ động, linh hoạt hơn trong xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” nhằm góp phần nâng cao nhận thức của phụ huynh và cộng đồng xã hội trong việc giáo dục ATGT cho trẻ mầm non nói chung và cho trẻ mẫu giáo nói riêng từ đó xây dựng được mối quan hệ tích cực, thống nhất giữa nhà trường và gia đình và cộng đồng xã hội cùng phối hợp giáo dục ý thức, hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho trẻ.
Trẻ bước đầu có ý thức, thói quen tốt khi tham gia giao thông, biết phê phán, không đồng tình với những hành vi không đúng khi tham gia giao thông.
Những giải pháp nêu trên không chỉ giúp cho nhà trường triển khai thực hiện tốt Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” mà còn góp phần nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN nhà trường đồng thời làm phong phú thêm kho học liệu giáo dục ATGT các độ tuổi thuận tiện cho giáo viên trong tổ chức thực hiện Chương trình “Tôi yêu Việt Nam”.
Nhờ sự đồng thuận và ủng hộ từ phụ huynh, sự tham gia tích cực của giáo viên, chương trình “Tôi yêu Việt Nam” đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ATGT tại Mầm non 20-10. Trẻ em không chỉ nắm vững các quy tắc giao thông mà còn hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông. Sự kết hợp giữa dân vận và giáo dục đã giúp tạo nên một môi trường an toàn, thân thiện, góp phần xây dựng thói quen giao thông văn minh trong cộng đồng.
Với sự đồng lòng và những biện pháp phù hợp, chương trình giáo dục ATGT tại Mầm non 20-10 đã và đang tạo ra những giá trị bền vững, giúp bảo vệ và phát triển trẻ em một cách toàn diện. Cùng nhau, chúng ta hoàn toàn có thể tạo dựng một xã hội an toàn, nơi mà mỗi người dân đều ý thức và thực hiện tốt trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông.
Những nỗ lực trong công tác dân vận khéo tại Mầm non 20-10 đã mở ra nhiều triển vọng và cơ hội mới trong năm học 2024-2025. Việc xây dựng và thực hiện các chương trình giáo dục an toàn giao thông không chỉ giúp nâng cao nhận thức của giáo viên, phụ huynh và cộng đồng về an toàn giao thông cho trẻ em, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho những hoạt động giáo dục khác trong năm học tới.
Nhà trường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và linh hoạt trong công tác giáo dục, đồng thời mở rộng các hình thức hoạt động để trẻ được trải nghiệm, giao lưu và phát triển toàn diện. Hướng tới một năm học thành công, mỗi nhà giáo sẽ là một đại diện cho tinh thần dân vận khéo, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và hiệu quả cho các thế hệ tương lai.
| Phạm Thị Hường Phó Hiệu trưởng trường Mầm non 20-10 |